Chuyển đổi số hiện đang là mục tiêu được quan tâm hàng đầu hiện nay tại các doanh nghiệp Việt Nam. Ngay cả Chính Phủ Việt Nam cũng đặc biệt chú trọng đến chủ đề này trong thời đại công nghiệp 4.0 ngày nay. Khó có được một định nghĩa rõ ràng và cụ thể về chuyển đổi số, bởi vì quá trình áp dụng tại mỗi doanh nghiệp sẽ có sự khác biệt ở từng lĩnh vực khác nhau.
1. Chuyển đổi số là gì ?
Chuyển đổi số (Digital Transformation) là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số.
Nhưng để nói một cách chính xác và dễ hiểu hơn thì đây là sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của một doanh nghiệp, tận dụng các công nghệ để thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và cung cấp các giá trị mới cho khách hàng của doanh nghiệp đó cũng như tăng tốc các hoạt động kinh doanh. Mặt khác, việc này cũng thúc đẩy sự thay đổi về văn hóa của các doanh nghiệp, đòi hỏi các doanh nghiệp phải liên tục thay đổi, thử nghiệm cái mới và thoải mái chấp nhận các thất bại.
Không chỉ có ứng dụng vào doanh nghiệp và các cơ sở, nhà máy sản xuất, hiện nay chuyển đổi số cũng đóng vai trò cực kì quan trong ở các lĩnh vực khác như chỉnh phủ, khoa học, y tế v.v…
2. Sự khác nhau giữa Chuyển đổi số và Số hóa:
Ở Việt Nam, khái niệm “Chuyển đổi số” thường được hiểu là quá trình thay đổi từ mô hình doanh nghiệp truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet cho vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)… nhằm thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty. Vì vậy nên bản thân nó dễ bị nhầm lẫn là Số hóa.
Có thể hiểu rằng, số hóa là quá trình hiện đại hóa, chuyển đổi các hệ thống thường sang hệ thống kỹ thuật số (chẳng hạn như chuyển từ tài liệu dạng giấy sang các file mềm trên máy tính) trong khi đó, Chuyển đổi số là khai thác các dữ liệu có được từ quá trình số hóa, rồi áp dụng các công nghệ để phân tích, biến đổi các dữ liệu đó và tạo ra các giá trị mới hơn. Có thể xem “Số hóa” như một phần của quá trình “Chuyển đổi số”
Có thể lấy ví dụ Grab trong việc xây dựng ứng dụng gọi xe. Những gì người dùng thấy trên màn hình điện thoại đơn giản là một chu trình đặt xe và hoàn thành chuyến đi của khách và tài xế, nhưng ẩn sâu là cả một hệ thống phức tạp. Công ty phải phân tích khối lượng dữ liệu lớn liên quan tới thói quen lái xe của tài xế, nhu cầu của người dùng, tính năng tạo sẵn cung đường, điều hướng thời gian thực… Từ dịch vụ đặt xe, công ty đã mở rộng thêm nhiều sản phẩm khác như giao hàng, mua đồ ăn…
3. Chuyển đổi số mang lại lợi ích gì cho doanh nghiệp ?
Có rất nhiều báo cáo chỉ ra rằng chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp: từ điều hành quản lý đến nghiên cứu, kinh doanh, v.v….
Lợi ích dễ nhận biết nhất đó là giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng tiềm năng hơn trong thời gian dài hơn, nhờ hệ thống báo cáo kịp thời mà ban lãnh đạo có thể đưa ra quyết định nhanh chóng và chính xác, tối ưu hóa năng suất làm việc của nhân viên. Chính những điều này giúp cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.
4. Mục tiêu của doanh nghiệp khi áp dụng chuyển đổi số:
Theo các chuyên gia và nghiên cứu thị trường thì những mục đích doanh nghiệp muốn hướng đến chính là:
- Tăng tốc độ ra thị trường
- Tăng cường vị trí cạnh tranh trên thị trường
- Thúc đẩy tăng trưởng doanh thu
- Tăng năng suất nhân viên
- Mở rộng khả năng thu hút và giữ chân khách hàng.